Trong quá trình thẩm định hình thức và thẩm định nội dung đơn đăng ký, người nộp đơn có quyền yêu cầu được bổ sung, sửa đổi các tài liệu đã nộp không?
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp hoặc Quyết định cấp Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung các tài liệu của đơn hoặc tách đơn đăng ký.
- Đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung bản vẽ, ảnh chụp, bản mô tả Kiểu dáng công nghiệp, người nộp đơn phải nộp bản tài liệu tương ứng đã được sửa đổi kèm theo bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi so với tài liệu ban đầu đã nộp.
Việc sửa đổi không được mở rộng phạm vi bảo hộ vượt quá nội dung đã đã bộc lộ trong phần mô tả Kiểu dáng công nghiệp. Nếu việc sửa đổi làm mở rộng phạm vi bảo hộ hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng thì người nộp đơn phải nộp đơn mới và mọi thủ tục được tiến hành lại từ đầu.
- Người nộp đơn có thể yêu cầu sửa chữa sai sót về tên, địa chỉ của người nộp đơn, tác giả.
- Mọi yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải được làm thành văn bản theo mẫu 01 – SĐĐ quy định tại phụ lục B của Thông tư. Việc sửa đổi bổ sung đơn do người nộp đơn chủ động thực hiện hay theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ nội dung sửa đổi, bổ sung và kèm theo chứng từ nộp lệ phí sửa đổi, bổ sung đơn.
(Điểm 17.1, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN)
Người nộp đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu tách đơn Kiểu dáng công nghiệp không?
Việc tách đơn được quy định như sau:
- Người nộp đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ tách một hoặc một số Kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký sáng một hoặc nhiều đơn mới (gọi là đơn tách).
- Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có); được công bố là đơn hợp lệ trên Công báo Sở hữu công nghiệp;
- Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập đối với đơn ban đầu, nhưng không phải nộp phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách phải được công bố lại và người nộp đơn phải nộp lệ phí công bố nếu việc tách đơn được thực hiện sau khi Cục Sở hữu trí tuệ đã có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn ban đầu.
- Đơn ban đầu sau khi bị tách tiếp tục được xử lý theo thủ tục thông thường và người nộp đơn phải nộp lệ phí sửa đổi bổ sung đơn.
(Điểm 17.2, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN)
Người nộp đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp có quyền chuyển giao đơn đăng ký không?
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp hoặc quyết định cấp Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận việc chuyển giao đơn cho người khác.
Trong yêu cầu ghi nhận việc chuyển giao đơn phải có tài liệu chứng minh người được chuyển giao đáp ứng yêu cầu về quyền đăng ký.
(Điểm 17.4, Thông tư 01/2007TT-BKHCN)
Người nộp đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp có quyền khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc từ chối, chấp nhận đơn đăng ký, từ chối cấp Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp không?
Người nộp đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp và mọi tổ chức,cá nhận có quyền, lợi ích liên quan có quyền khiếu nại các thông báo chính thức và các quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ liên quan tới thủ tục xác lập quyền sở hữu Kiểu dáng công nghiệp với Cục trưởng cục Sở hữu trí tuệ. Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần 2 với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện ra tòa án.
Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung thông báo hoặc quyết định bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ thông báo hoặc quyết định liên quan.
(Điều 14, Nghị định 103/2006/NĐ-CP)
Sau khi đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp được công bố, người nộp đơn có quyền ngăn cấm người khác sử dụng Kiểu dáng công nghiệp của mình không?
Quyền sở hữu Kiểu dáng công nghiệp chỉ phát sinh kể từ khi có quyết định cấp Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, sau khi công bố đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp, nếu phát hiện có người sử dụng Kiểu dáng công nghiệp nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo Sở hữu công nghiệp để người đó đình chỉ việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp đã được thông báo mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng Kiểu dáng công nghiệp thì khi Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp được cấp, chủ Kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu người đã sử dụng Kiểu dáng công nghiệp phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng Kiểu dáng công nghiệp đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
(Các khoản 1 và 3, Điều 131, Luật SHTT)
Để được tư vấn sâu hơn về sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả và các tài sản sở hữu trí tuệ khác, vui lòng liên hệ Trần & Trần. Email: ip@trantran.vn, Điện thoại: 04-37327466
Email: ip@trantran.vn Liên Hệ : 04-37327466 |
Dich vụ uy tín
Gói dịch vụ chuyên nghiệp
Chất lượng hàng đầu
Uy tín là phương châm
Theo sát cùng quý khách
Luôn luôn hỗ trợ